Nguyên nhân và điều trị lồng ruột ở người lớn
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Lồng ruột ở người lớn là một bệnh hiếm gặp, chiếm tỷ lệ từ 2-5% so với 70-90% lồng ruột ở trẻ em. Lồng ruột ở người lớn diễn tiến chủ yếu là bán cấp hoặc mạn tính và thường là có các nguyên nhân thực thể. Vì vậy, khác với điều trị lồng ruột ở trẻ em, ở người lớn cần được điều trị bằng phẫu thuật. Mục tiêu: Nêu lên các nguyên nhân và những kinh nghiệm trong điều trị lồng ruột ở người lớn. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu trên 60 TH (37 nam, 23 nữ) lồng ruột ở người lớn được phẫu thuật tại BV Chợ Rẫy từ ngày 1/1/1999-31/12/2003. Kết quả: Các trường hợp có nguyên nhân chiếm 86,7% (52/60) và không rõ nguyên nhân 13,3% (8/60). Nguyên nhân gặp nhiều nhất là u 63,5% (33/52). Ở ruột non, tỷ lệ u lành cao 85,7% (12/14). Ngược lại, ở đại tràng, tỷ lệ u ác cao 76,9% (10/13). Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân và vị trí của lồng ruột (lồng ở đại tràng, ở ruột non hay ở góc hồi manh tràng). Có 3 phương pháp phẫu thuật: tháo lồng (+ cố định manh tràng) (n=15), cắt nửa đại tràng (n=22), cắt đoạn ruột kèm khối lồng (n=23). Tỷ lệ phẫu thuật thành công 93,3%. Tỷ lệ biến chứng 5%, không có trường hợp nào tử vong. Kết luận: Lồng ruột ở ngưòi lớn hầu hết là có nguyên nhân và chủ yếu là do u. Việc lựa chọn các phương pháp phẫu thuật còn tùy thuộc vào điều kiện bệnh nhân, gây mê hồi sức và kinh nghiệm của phẫu thuật viên để có hướng xử trí thích hợp cho từng bệnh nhân cụ thể.

Vị trí tài liệu

Trung tâm Tích hợp dữ liệu

CỤC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, BỘ Y TẾ

Ngõ 135 Núi Trúc, Ba Ðình, Hà Nội

Điện thoại: 04.3736.8315 (máy lẻ 12); Fax: 04.3736.8319

Email: hungnb.cntt@moh.gov.vn     Website: yte.gov.vn