Lấy sỏi mật qua đường hầm ống Kehr bằng ống soi mềm
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Bệnh sỏi mật rất phổ biến ở Việt Nam. Sót sỏi là một vấn đề lớn của phẫu thuật điều trị sỏi đường mật. Lấy sỏi mật qua đường hầm ống Kehr đòi hỏi trang thiết bị hiện đại nên chưa được áp dụng rộng rãi. Mục đích: Đánh giá hiệu quả và tính an toàn của lấy sỏi mật qua đường hầm ống Kehr bằng ống soi mềm, kết hợp tán sỏi điện thủy lực. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu can thiệp, tiến cứu, không nhóm chứng trên 200 bệnh nhân dược lấy sỏi mật qua đường hầm ống Kehr tại Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 1/2004 đến tháng 12/2005. Kết quả: 200 bệnh nhân đều có sỏi trong gan, có 62 bệnh nhân có sỏi trong gan và sỏi ống mật chủ. Số lần lấy sỏi trung bình là 3,07 lần (từ 1-9 lần). Có 135 trường hợp (67,5%) phải tán sỏi điện thủy lực vì sỏi to hay dính vào đường mật. Tỷ lệ hết sỏi sau khi lấy qua đường hầm ống Kehr là 85,5%, còn ít sỏi đường mật nhỏ 11,5% và còn nhiều sỏi là 3%. Nguyên nhân không lấy hết sỏi thường do đường mật nhỏ, gập góc hay có hẹp đường mật. Tỷ lệ hẹp đường mật là 28%. Không có tai biến và biến chứng nặng. Thời gian nằm viện trung bình là 7 ngày. Kết luận: Lấy sỏi mật qua đường hầm ống Kehr kết hợp với tán sỏi điện thủy lực là cách giải quyết sỏi sót và sỏi đường mật trong gan rất hiệu quả và an toàn với tỷ lệ hết sỏi cao và không có biến chứng nặng. Đây là phương pháp tối ưu cho những bệnh nhân còn sót sỏi sau mổ có mang ống Kehn.

Vị trí tài liệu

Trung tâm Tích hợp dữ liệu

CỤC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, BỘ Y TẾ

Ngõ 135 Núi Trúc, Ba Ðình, Hà Nội

Điện thoại: 04.3736.8315 (máy lẻ 12); Fax: 04.3736.8319

Email: hungnb.cntt@moh.gov.vn     Website: yte.gov.vn