Đặt vấn đề: Chảy máu do loét dạ dày tá tràng là một cấp cứu nội và ngoại khoa thường gặp, chiếm khoảng 50-70% các trường hợp chảy máu đường tiêu hóa trên. Điều trị chảy máu do loét dạ dày tá tràng có nhiều phương pháp: nội khoa, nội soi, thuyên tắc mạch và phẫu thuật nhưng tử vong vẫn còn khoảng 6-10%. Mục tiêu: Nêu các chỉ định phẫu thuật, chọn lựa phương pháp, tỷ lệ chảy máu tái phát và tử vong trong điều trị ngoại khoa chảy máu do loét dạ dày tá tràng. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu 273 trường hợp chảy máu do loét dạ dày tá tràng được xác định qua phẫu thuật, nội soi hoặc X-quang dạ dày tá tràng tại BV Chợ Rẫy từ 1/1/2002-31/12/2002. Kết quả: Tỷ lệ phẫu thuật là 11,4% (31/273 TH) với các chỉ định: thất bại chích cầm máu 14 BN (45,2%), chảy máu lại sau chích cầm máu 6 BN (19,4%), chảy máu lại 7 BN (22,6%), thủng ổ loét kèm chảy máu 2 BN (6,4%), ổ loét dạ dày nghi ác tính 2 BN (6,4%). Các yếu tố liên quan đến chỉ định phẫu thuật là mức độ mất máu, số lượng ổ loét, vị trí ổ loét. Phương pháp phẫu thuật bao gồm khâu cầm máu 10 BN (32,2%), phẫu thuật Weinberg 3 BN (9,7%), cắt dạ dày 18 BN (58,1%). Tỷ lệ tử vong phẫu thuật là 25,8% (8/31BN). Kết luận: Kết quả phẫu thuật liên quan đến tỷ lệ chảy máu tái phát và tùy theo phương pháp phẫu thuật. Tử vong của phẫu thuật liên quan đến sinh hiệu trước mổ và bệnh kèm theo.