Tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh tại Lạng Giang và Yên Dũng, Bắc Giang 2001 - 2002
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Cân nặng sơ sinh thấp làm tăng nguy cơ mắc bệnh và kém phát triển thể chất và trí tuệ. Mục tiêu: Tìm hiểu thực trạng và mối quan hệ giữa tình trạng dinh dưỡng, các yếu tố chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe cho phụ nữ có thai với kết quả của thai nghén (cân nặng, chiều dài của trẻ sơ sinh). Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu 234 phụ nữ đang mang thai ≤ 8 tuần, tuổi từ 18-35, không có tiền sử mắc các bệnh mãn tính tại huyện Lạng Giang và huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang. Thiết kế cho nghiên cứu đánh giá hiệu quả can thiệp. Kết quả: Tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn của phụ nữ trước khi mang thai ở cả hai huyện còn rất cao và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) giữa hai huyện (42,5% ở Yên Dũng và 37,5% ở Lạng Giang). Tỷ lệ thiếu máu của phụ nữ mang thai ở huyện Lạng Giang trước can thiệp (3 tháng đầu có thai) là 34,3% và sau khi can thiệp (1 tháng trước khi đẻ) là 30,9%. Trong khi đó, tỷ lệ thiếu máu của phụ nữ mang thai ở huyện Yên Dũng trong 3 tháng đầu có thai là 31% và trong 1 tháng trước khi đẻ tăng lên tới 35,1%. Tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân ở Yên Dũng cao hơn có ý nghĩa thống kê so với Lạng Giang (11,4% và 9,6%); tỷ lệ suy dinh dưỡng còi cọc đã bắt đầu xuất hiện ngay ở trẻ sơ sinh với tỷ lệ không nhỏ (Lạng Giang 3,6%, Yên Dũng 3,9%). Kết luận: Dựa vào kết quả trên ta có thể nhận định rằng để giảm thiếu máu của phụ nữ mang thai thì cần phải có những can thiệp sớm ngay từ khi phát hiện có thai và để giảm tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ mang thai nói chung thì cần có những can thiệp sớm trước khi có thai.

Vị trí tài liệu

Trung tâm Tích hợp dữ liệu

CỤC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, BỘ Y TẾ

Ngõ 135 Núi Trúc, Ba Ðình, Hà Nội

Điện thoại: 04.3736.8315 (máy lẻ 12); Fax: 04.3736.8319

Email: hungnb.cntt@moh.gov.vn     Website: yte.gov.vn