Liên quan giữa các yếu tố dinh dưỡng của phụ nữ có thai với cân nặng sơ sinh tại Lạng Giang và Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, 2001-2002.
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Suy dinh dưỡng trẻ em là trẻ đẻ nhẹ cân hay suy dinh dưỡng bào thai - hậu quả của tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe kém của người mẹ, đặc biệt là thời kỳ mang thai. Mục tiêu:Tìm hiểu mối quan hệ giữa tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe cho phụ nữ có thai với cân nặng trẻ khi sinh. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu chiều dọc trên cùng một đối tượng được chọn bằng cuộc điều tra cắt ngang nhắc lại 560 đối tượng ở huyện Lạng Giang (280 đối tượng) và Yên Dũng (280 đối tượng) với 32 xã của tỉnh Bắc Giang. Số liệu được xử lý bằng Epi info 6.04. SPSS 10.05. Kết quả: Tỷ lệ thiếu máu của phụ nữ mang thai ở huyện Lạng Giang trước can thiệp (3 tháng đầu có thai) là 34,3% và sau can thiệp (1 tháng trước khi đẻ) là 30,9%. Trong khi đó, tỷ lệ thiếu máu của phụ nữ mang thai ở huyện Yên Dũng trong 3 tháng đầu có thai 31% và trong vòng 1 tháng trước khi đẻ tăng lên tới 35,1%. Tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân ở Yên Dũng cao hơn có ý nghĩa thống kê so với Lạng Giang (11,4% và 9,6%), tỷ lệ suy dinh dưỡng còi cọc đã bắt đầu xuất hiện ngay ở trẻ sơ sinh với tỷ lệ không nhỏ (Lạng Giang 3,6%, Yên Dũng 3,9%). Cân nặng sơ sinh liên quan chặt chẽ với cân nặng (r=0,152, p<0,001), chiều cao (r-0,144, p<0,001) nồng độ hemoglobin trước khi sinh (r=0,357, p<0,001) và mức tăng cân trong thời gian mang thai của người mẹ (r=0,405, p<0,001). Kết luận: Trẻ đẻ nhẹ cân và kém phát triển chiều dài thường phát triển cơ thể chậm, khó theo kịp sự phát triển của trẻ sinh ra khỏe mạnh bình thường nên dễ rơi vào luẩn quẩn của suy dinh dưỡng trong những năm đầu đời.

Vị trí tài liệu

Trung tâm Tích hợp dữ liệu

CỤC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, BỘ Y TẾ

Ngõ 135 Núi Trúc, Ba Ðình, Hà Nội

Điện thoại: 04.3736.8315 (máy lẻ 12); Fax: 04.3736.8319

Email: hungnb.cntt@moh.gov.vn     Website: yte.gov.vn