Điều tra ngang được tiến hành từ năm 2003 đến năm 2005 ở Hải Phòng trên 9151 học sinh (HS) (nam: 4173-51,5%, nữ: 4438- 48.5%). Điều tra đã cho thấy tỉ lệ vẹo cột sống (VCS) chung ở HS Hải Phòng là 4,88% (nam 4,24%, nữ 5,57%). Theo cấp học, VCS ở tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông lần lượt là: 5,08%, 4,38% và 6,19%. Khu vực ngoại thành có tỷ lệ VCS cao nhất (6,29%), tiếp đến là hải đảo (4,73%) và nội thành (3,83%). Các yếu tố nguy cơ gây vẹo cột sống ở HS là tư thế ngồi học không đúng (ngồi học lệch (OR=10), đầu cúi thấp (OR=6,4) và bàn không phù hợp (OR=5,9)). Học sinh có càng nhiều tư thế không đúng có nguy cơ bị vẹo cột sống càng cao. Sau khi được tập huấn bổ sung và nâng cao kiến thức về VCS, 80-90% thầy cô giáo, cán bộ y tế học đường biết về VCS (nguyên nhân, điều kiện vệ sinh học đường), khám, phát hiện và hướng dẫn cách phòng chống VCS, hướng dẫn tập phục hồi chức năng cho HS. Trên cơ sở các kết quả thu được của điều tra VCS, các yếu tố nguy cơ, kiến thức và thực hành của thầy cô giáo và HS, các tác giả đã xây dựng và áp dụng bài tập phục hồi chức năng cho nhóm can thịêp. Tỷ lệ học sinh khỏi VCS tăng theo thời gian can thiệp (56,5% và 77,6% tương ứng sau 6 tháng và 14 tháng).