"Cảnh giác về thuốc" là một hoạt động mới trong lĩnh vực y học. Mục tiêu chính của nó là điều tra có hệ thống và phân tích các tác dụng có hại của thuốc trong trường hợp đã dùng thuốc đúng liều lượng và đúng chỉ định. Các phương pháp nghiên cứu của khoa học cảnh giác về thuốc quy tụ vào 2 loại, kết hợp chặt chẽ với nhau: phương pháp điều tra theo bề rộng và phương pháp điều tra theo chiều sâu. Hiện nay đã có cơ quan chuyên trách nghiên cứu cảnh giác thuốc trong Tổ chức Y tế Thế giới. Nhiệm vụ chính của tổ chức này là: phát hiện nhanh các tác dụng có hại của thuốc, nhất là nếu có hại nghiêm trọng; xác lập tần số và mức độ nghiêm trọng để so sánh lợi ích của thuốc với tính nguy hại của thuốc; điều tra sâu, hoàn chỉnh, nghiên cứu cơ chế của tác dụng có hại; xác lập lý do của các kiến nghị tới cấp có thẩm quyền ra quyết định; phổ biến đưa kiến thức về bệnh do thuốc vào chương trình đào tạo cán bộ y dược. Ở nước ta hoạt động cảnh giác về thuốc mới thể hiện ở các hình thức thông tin lẻ tẻ, chưa có hệ thống.