Vàng da tăng Bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh đặc điểm lâm sàng, xét nghiệm, một số yếu tố liên quan và biện pháp can thiệp.
Tóm tắt
Vàng da tăng bilirubin gián tiếp là một biểu hiện khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, 70% trẻ đủ tháng và 80% trẻ thiếu tháng trong tuần đầu đời. Đa số các trường hợp vàng da sơ sinh là vàng da sinh lý. Vàng da sơ sinh tuy hay gặp nhưng dễ bỏ qua, đó là tình trạng vàng da nặng đe dọa nhiễm độc thần kinh. Diễn biến từ giai đoạn vàng da sơ sinh nặng do tăng bilirubin gián tiếp sang giai đoạn vàng da nhân thường xảy ra rất nhanh và phức tạp, đôi khi chỉ trong vài giờ. Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến vàng da tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh; và nhận xét kết quả can thiệp ở 615 trẻ sơ sinh vàng da tăng bilirubin gián tiếp tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả: vàng da chiếm 22,2% tổng số trẻ sơ sinh nhập viện, 23,5% là do bất đồng nhóm máu mẹ-con (56% bất đồng OA), 8,34% do thiếu enzym G6PD. Thay máu chiếm tỷ lệ 21%. Tuổi trung bình xuất hiện vàng da là 2,36±0,72 ngày. Nồng độ bilirubin trung bình trong máu tăng cao hơn so với nhóm không bất đồng nhóm máu mẹ-con (bilirubin máu trung bình 438,1±156,9 mmol/l). Nồng độ hemoglobulin trung bình ở nhóm bất đồng nhóm máu mẹ-con giảm có ý nghĩa so với nhóm không bất đồng nhóm máu (Hb trung bình là 113±19 g/dL). Các yếu tố liên quan tới vàng da gồm: đẻ non, ngạt, đa hồng cầu, nhiễm khuẩn, bất đồng nhóm máu mẹ-con. Điều trị chiếu đèn có hiệu quả cao, giảm bilirubin trong máu rõ rệt sau 24-48 giờ chiếu đèn. Kết quả thay máu tốt, bilirubin giảm rõ rệt, an toàn và không có biến chứng trong quá trình thay máu. Thời gian nằm viện trung bình là 8,4 ngày.

Vị trí tài liệu

Trung tâm Tích hợp dữ liệu

CỤC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, BỘ Y TẾ

Ngõ 135 Núi Trúc, Ba Ðình, Hà Nội

Điện thoại: 04.3736.8315 (máy lẻ 12); Fax: 04.3736.8319

Email: hungnb.cntt@moh.gov.vn     Website: yte.gov.vn