Nghiên cứu được tiến hành ở 10 bệnh viện nhi, 100 bệnh viện đa khoa tỉnh và 549 bệnh viện huyện trên cả nước, trong thời gian từ tháng 9/ 2007 – 12/ 2008 nhằm: đánh giá thực trạng cấp cứu trẻ em ở tuyến tỉnh và tuyến huyện hiện nay nhằm đề xuất các biện pháp can thiệp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ trẻ em. Kết quả: tỷ lệ giường bệnh nhi/giường bệnh chung (GBN/ GBC) là 14,0% (bệnh viện tỉnh (BVT)) và 17,0% (bệnh viện huyện(BVH)); tỷ lệ bệnh viện có phòng cấp cứu nhi riêng là 63,2% (BVT) và 1,7% (BVH); tỷ lệ bệnh viện có phòng Cấp cứu sơ sinh riêng là 48,4% (BVT) và 12,4% (BVH); tỷ lệ bệnh viện có cán bộ làm công tác cấp cứu nhi là 36,8% (BVT) và 8,6% (BVH); tỷ lệ bệnh viện có cán bộ được tập huấn về cấp cứu nhi là 74,7% (BVT) và 64,6% (BVH). Về trang thiết bị y tế sử dụng trong cấp cứu thông thường còn thiếu cả 2 tuyến tỉnh và huyện. Khả năng xử trí cấp cứu: BVT có khả năng xử trí các cấp cứu thông thường. BVH chỉ xử trí cấp cứu đơn giản. Các xét nghiệm cơ bản đã triển khai được hầu hết các bệnh viện. Thuốc cấp cứu cơ bản tương đối đủ ở các tuyến. Nhóm bệnh cấp cứu về hô hấp cao nhất (46,2% tuyến tỉnh & 55,8% tuyến huyện), tiếp đến là tiêu hoá (15,3% tuyến tỉnh & 19,4% ở tuyến huyện), sau đó là chấn thương (13,9% tuyến tỉnh & 8,7% tuyến huyện) và các cấp cứu ngoại khoa (10,9% tuyến tỉnh & 6,2 % tuyến huyện). Tỷ lệ tử vong trẻ trong 24 giờ đầu nhập viện còn cao: 25,6% (tuyến tỉnh) và 66,7% (tuyến huyện).